Thoái hóa khớp gối có nguy?
Thoái hóa khớp gối là gánh nặng bệnh tật lớn, 80% bệnh nhân thoái hóa khớp gối hạn chế vận động và 20% không thể làm các công việc sinh hoạt hàng ngày.
Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: Di truyền, phát triển, chuyển hóa và chấn thương.
Biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là các thay đổi hình thái, sinh hóa, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hóa, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.
Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% các trường hợp thoái hóa khớp gối.
Theo BS. Nguyễn Hồng Hạnh – khoa Khám bệnh – Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, “Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối (áp dụng tiêu chuẩn ACR năm 1991 dựa vào lâm sàng): Đau khớp, lạo xạo khi cử động, cứng khớp dưới 30 phút, sờ thấy phì đại xương…
Bệnh thoái hóa khớp gối y học cổ truyền gọi là hạc tất phong.
Bên cạnh sự phát triển của y học hiện đại với rất nhiều loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ… y học cổ truyền với các phương pháp xông hơi, ngâm chân, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt cũng chứng minh hiệu quả điều trị cao với tác dụng giảm đau và sự thuyên giảm rõ rệt của bệnh.
Hầu như không có tác dụng phụ, việc sử dụng các phương pháp y học cổ truyền đã nâng cao hiệu quả điều trị và kinh tế cho người bệnh thoái hóa khớp gối.
Theo y học cổ truyền, bệnh danh của thoái hóa khớp gối là hạc tất phong. Nguyên nhân chủ yếu của thoái hóa khớp gối là do phong hàn thấp xâm nhập vào cân, cơ, xương khớp, kinh lạc làm tắc trở sự vận hành khí huyết, kinh lạc gây đau.
Người già hoặc người mắc bệnh lâu ngày khí huyết suy giảm dẫn đến can thận hư, thận hư không làm chủ được cốt tủy, can huyết hư không nuôi dưỡng được cân làm xương khớp bị thoái hóa.
– Triệu chứng: Đau mỏi khớp gối, trời lạnh đau tăng. Cứng khớp buổi sáng, chườm ấm thì đỡ, sợ lạnh, tay chân lạnh, nước tiểu trong, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.
– Phương pháp điều trị: Khu phong, trừ thấp, tán hàn.
– Bài thuốc: Độc hoạt tang ký sinh.
Thành phần bài thuốc: Độc hoạt 12g, phòng phong 10g, tang ký sinh 12g, tế tân 5g, tần giao 12g, đỗ trọng 10g, bạch linh 10g, xuyên khung 12g, đẳng sâm 12g, cam thảo 5g, đương quy 10g, bạch thược 15g, ngưu tất 15g, quế chi 5g, thục địa 15g.
Châm cứu: Độc tỵ, tất nhãn, hạc đỉnh, lương khâu, huyết hải, túc tam lý, a thị huyệt.
– Thủy châm: Vitamin nhóm B (B1, B6, B12). Vào các huyệt: Túc tam lý, huyết hải.
+ Chiếu đèn hồng ngoại vùng khớp gối x 20 phút/lần/ngày.
+ Siêu âm điều trị khớp gối x 20 phút/lần/ngày.
+ Sóng xung kích vùng khớp gối x 20 phút/lần/ngày.
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn